Hotline :
098.212.1816
 
 
 
   Trang chủ    Nhà ở Nhật Bản
Nhà ở Nhật Bản
Vườn Nhật – phần 05
  Mã sản phẩm
  Chất liệu
  Chiều cao
  Chiều rộng
  Chiều dài
  Giá bán
658
0 VND
 
Mô tả sản phẩm

 Vườn Nhật – phần 05.

( Nguồn: Wikipedia)

1.    Các nguyên tắc thẩm mỹ

Ban đầu, phần lớn các khu vườn Nhật Bản theo mô hình của Trung Quốc, nhưng dần dần các khu vườn Nhật Bản đã phát triển các nguyên tắc thẩm mỹ riêng của họ. Những nguyên tắc này đã được viết trong sách hướng dẫn làm vườn cảnh: Sakuteiki vào thời Heian (794–1185).

Kiến trúc đối xứng và trang trí của quảng trường Phượng hoàng ở Vườn Byōdō-in, Kyoto (1052) được lấy cảm hứng từ kiến trúc triều đại nhà Tống - Trung Quốc.

Các nguyên tắc của khu vườn thiêng liêng, chẳng hạn như khu vườn của các ngôi chùa Phật giáo, khác với các khu vườn vui chơi hoặc đi dạo. Ví dụ, các khu vườn Thiền được thiết kế để có thể nhìn thấy toàn cảnh khu vườn mà không cần vào đó, các khu vườn dạo sẽ được nhìn thấy bằng cách đi bộ xuyên qua khu vườn và dừng lại ở một số các điểm dừng chân dọc đường.

Tuy nhiên, chúng có một số nguyên tắc cơ bản giống nhau:

-       Sự thu nhỏ. Khu vườn Nhật Bản là một góc nhìn thiên nhiên thu nhỏ lý tưởng. Đá có thể tượng trưng cho núi và ao có thể tượng trưng cho biển. Khu vườn đôi khi có vẻ lớn hơn bằng cách đặt những tảng đá và cây lớn hơn ở phía trước và những tảng nhỏ hơn ở phía sau.

-       Che giấu. Khu vườn Thiền được nhìn thấy toàn cảnh cùng một lúc, nhưng khu vườn dạo được nhìn thấy từng cảnh quan tại mỗi thời điểm, mỗi vị trí, giống như một cuộn tranh vẽ phong cảnh cuộn lại đang được mở dần ra. Các hình ảnh ẩn sau những ngọn đồi, lùm cây, bức tường . . . sẽ được khám phá dần khi đi theo con đường quanh co.

-       Phong cảnh vay mượn. Các khu vườn nhỏ hơn thường được thiết kế để kết hợp các khung cảnh xung quanh hay bên ngoài khu vườn, như đồi núi, cây cối hoặc đền thờ, lúc đó, khu vườn như một phần của khung cảnh chung. Điều này làm cho khu vườn có vẻ lớn hơn so với thực tế.

-       Không đối xứng. Các khu vườn Nhật Bản không nằm trên các trục thẳng, hoặc với chỉ một điểm nhìn duy nhất. Các tòa nhà và đối tượng trong khu vườn thường được đặt để có thể nhìn thấy từ một đường chéo và chúng được bố cục thành các cảnh tương phản. Ví dụ như các tòa nhà với các đối tượng thẳng đứng như đá, tre, cây sẽ tương phản với các đối tượng nằm ngang như nước.

Đã có những phân tích về thiết kế vườn truyền thống của Nhật Bản, những thiết kế này tránh sự tạo ra những yếu tố cụ thể dẫn đến việc chi phối cho thị giác, thay vào đó, họ tạo ra những cảnh trong đó thị giác được phân bổ đồng đều trên trường xem.

 

2.    Sự khác biệt giữa vườn Nhật Bản và vườn Trung Quốc

Các khu vườn Nhật Bản trong thời kỳ Heian được mô phỏng theo các khu vườn Trung Quốc, nhưng đến thời kỳ Edo thì có sự khác biệt rõ rệt.

-       Về kiến ​​trúc. Vườn Trung Quốc có các tòa nhà ở trung tâm của khu vườn, chiếm một phần lớn không gian của khu vườn, các tòa nhà này được đặt bên cạnh hoặc ở giữa hồ nước và các công trình nhà vườn này được thiết kế và trang trí rất công phu. Trong các khu vườn Nhật Bản sau này, các tòa nhà nằm ngoài hồ nước, đơn giản, với rất ít đồ trang trí và được che giấu một phần hoặc phần lớn.

Một quán trà trong vườn Jo-an ở Inuyama, từ năm 1618. Phong cách đơn giản và không trang trí bắt đầu được sử dụng trên tất cả các tòa nhà của Nhật Bản, từ sân vườn đến cung điện. Quán trà này đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia của Nhật Bản vào năm 1951.

-       Quan điểm. Khu vườn Trung Quốc được thiết kế để có thể nhìn thấy từ bên trong, từ các tòa nhà, phòng trưng bày và ở trung tâm của khu vườn. Vườn Nhật Bản được thiết kế để có thể nhìn thấy từ bên ngoài, như vườn đá Nhật Bản hay vườn thiền, hoặc từ một con đường quanh co đi qua khu vườn.

-       Sử dụng đá. Trong một khu vườn Trung Quốc, đặc biệt là vào triều đại nhà Minh, những tảng đá được lựa chọn vì có hình dạng kỳ lạ hoặc vì giống với động vật hay núi non, đá được sử dụng để tạo hiệu ứng ấn tượng và chúng thường là tâm điểm của khu vườn. Trong các khu vườn Nhật Bản sau này, đá nhỏ hơn, được sắp xếp tự nhiên hơn, như một phần tích hợp vào khu vườn.

-       Phong cảnh biển. Các khu vườn Trung Quốc được lấy cảm hứng từ phong cảnh nội địa Trung Quốc, đặc biệt là hồ và núi, trong khi các khu vườn Nhật Bản thường sử dụng phong cảnh thu nhỏ từ bờ biển Nhật Bản, thường là các bãi biển cát trắng hay đá cuội và tại đó đá dường như bị bào mòn bởi sóng biển, điều này hiếm khi xuất hiện trong các khu vườn Trung Quốc.

3.    Phong cách sân vườn

·         Vườn ao / hồ

Vườn có hồ nước, du ngoạn trên hộ bằng thuyền, được du nhập từ Trung Quốc vào thời Heian (794–1185), còn được gọi là phong cách shinden-zukuri, theo phong cách kiến trúc của tòa nhà chính. Nó có một dinh thự lớn, được trang trí công phu với hai hàng lang dài hướng về phía nam đến một hồ lớn và khu vườn. Mỗi hành lang kết thúc trong một gian nhà mà từ đó có thể thưởng ngoạn quang cảnh của hồ, ngoài ra có thể thực hiện các chuyến tham quan hồ trên những chiếc thuyền nhỏ. Khu vườn này có hồ nước lớn với những hòn đảo nhỏ, nơi các nhạc công chơi trong các lễ hội.

Heian-jingū là một không gian phục chế khu vườn hồ cổ của cố đô Kyoto.

Hiện nay, không còn khu vườn nguyên bản nào của thời kỳ này, nhưng có thể nhìn thấy các công trình được phục hồi lại tại đền Heian-jingū và Daikaku-ji ở Kyoto.

·         Vườn địa đàng

Vườn Địa đàng xuất hiện vào cuối thời Heian, được tạo ra bởi các quý tộc thuộc phái Phật giáo Amida. Chúng được dùng để tượng trưng cho Thiên đường hay Cõi Tịnh độ (Jōdo), nơi Đức Phật ngồi trên bục chiêm ngưỡng một ao sen.

Đền Enjō-ji ở tỉnh Nara là một ví dụ điển hình về khu vườn địa đàng vào cuối thời Heian.

Những khu vườn này có một đảo tên là Nakajima, nơi tọa lạc của Phật đường, nối với bờ bằng một cây cầu hình vòm. Ví dụ nổi tiếng nhất còn sót lại là khu vườn quảng trường Phượng hoàng của chùa Byōdō-in, được xây dựng vào năm 1053, ở Uji, gần Kyoto.

Jōruri-ji, một khu vườn địa đàng ở Kyoto. Ao được các nhà sư đào vào năm 1150.

Các ví dụ khác là đền Jōruri-ji ở Kyoto, đền Enro-ji ở tỉnh Nara, Hokongoin ở Kyoto, đền Mōtsū-ji ở Hiraizumi, và vườn Shiramizu Amidado ở thành phố Iwaki.

·         Vườn khô Karesansui

Vườn Karesansui hay vườn đá Nhật Bản, trở nên phổ biến ở Nhật Bản vào thế kỷ 14 nhờ công của một nhà sư Phật giáo, Musō Soseki (1275–1351), người đã xây dựng vườn thiền tại năm tu viện lớn ở Kyoto.

Vườn Rosan-ji, Kyoto

Những khu vườn này có cát trắng hoặc sỏi trắng được cào tượng trưng cho nước và những tảng đá được sắp xếp cẩn thận, đôi khi đá và cát trong vườn được phủ đầy rêu.

Vườn Zuihō-in, Kyoto

Mục đích của những khu vườn này là để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thiền định, chúng có ý nghĩa đầy đủ khi được nhìn thấy từ trên hiên nhà của hōjō, vị trụ trì tu viện. Ví dụ nổi tiếng nhất là chùa Ryōan-ji ở Kyoto.

·         Roji, vườn trà

Vườn trà được tạo ra trong thời kỳ Muromachi (1333–1573) và thời kỳ Momoyama (1573–1600) để làm bối cảnh cho trà đạo Nhật Bản. Phong cách của khu vườn và con đường dẫn đến quán trà, sẽ truyền cảm hứng cho du khách đến tham dự buổi lễ.

Một quán trà và vườn trà tại Ise Jingu.

 

Quán trà truyền thống và vườn trà tại vườn Kenroku-en

Từ khu vườn bên ngoài, nơi chờ đợi để được mời vào, đi qua một cánh cổng vào khu vườn bên trong, nơi rửa tay và súc miệng trước khi bước vào quán trà.

Khu vườn của quán trà Urakuen

Đường đi trong vườn luôn được giữ ẩm và xanh tốt, trông nó sẽ giống như một con đường núi hẻo lánh, không có những bông hoa rực rỡ có thể làm mất sự tập trung vào việc thiền định.

 

Cánh cổng mộc mạc của quán trà vườn Keishun-in ở Kyoto

Các quán trà ban đầu không có cửa sổ, nhưng sau này quán trà đã có một bức vách có thể mở ra để nhìn thấy khu vườn.

·         Kaiyū-shiki-teien, vườn đi dạo

Vườn dạo xuất hiện ở Nhật Bản vào thời Edo (1600–1854), tại các biệt thự của quý tộc hoặc lãnh chúa. Những khu vườn này được thiết kế để bổ trợ cho những ngôi nhà theo phong cách kiến ​​trúc sukiya-zukuri mới, được mô phỏng theo quán trà.

Biệt thự Hoàng gia Katsura, nguyên mẫu cho khu vườn dạo

Biệt thự Hoàng gia Shugaku-in, được hoàn thành vào năm 1659, một ví dụ cổ điển khác về khu vườn dạo thời kỳ Edo

Những khu vườn này được thưởng ngoạn bằng cách đi theo một con đường quanh hồ từ dẫn từ cảnh này đến cảnh khác.

Những khu vườn này sử dụng hai kỹ thuật để mang lại sự thú vị:

-       Phong cảnh vay mượn (shakkei): tận dụng phong cảnh bên ngoài khu vườn như núi hoặc đền thờ, kết hợp chúng vào khu vườn để toàn cảnh khu vườn trông rộng hơn so với thực tế.

-       Miegakure hay còn gọi là "ẩn và lộ": sử dụng các lối đi quanh co, hàng rào, tre, các tòa nhà để che giấu phong cảnh, sẽ không thể nhìn thấy chính xác và đầy đủ cho đến khi đứng ở vị trí quan sát tốt nhất.

Các khu vườn thời kỳ Edo cũng thường tái hiện lại các phong cảnh nổi tiếng hoặc các cảnh lấy cảm hứng từ văn học, ví dụ như vườn Suizen-ji Jōju-en ở Kumamoto có phiên bản thu nhỏ của núi Phú Sĩ; biệt thự Katsura ở Kyoto có phiên bản thu nhỏ của bãi cát Ama-no-hashidate ở vịnh Miyazu, gần Kyoto; vườn Rikugi-en ở Tokyo tạo ra những cảnh quan nhỏ lấy cảm hứng từ tám mươi tám bài thơ nổi tiếng của Nhật Bản.

Hai ngọn đồi phủ đầy cỏ tre được cắt tỉa tượng trưng cho núi Lu ở Trung Quốc. Vườn Koishikawa Kōrakuen ở Tokyo.

Vườn Suizen-ji Jōju-en, bắt đầu xây dựng vào năm 1636, có một ngọn đồi là bản sao thu nhỏ của núi Phú Sĩ. Cây cối ở phần trên của ngọn đồi được cắt tỉa nhỏ hơn để làm cho ngọn núi trông có vẻ cao hơn.

·         Vườn nhỏ trong đô thị

Những khu vườn nhỏ được thấy lần đầu tiên tại sân trong (naka-niwa) của các căn nhà thời Heian, được thiết kế để mang lại cái nhìn thoáng qua về thiên nhiên và tạo ra sự riêng tư cho cư dân ở phía sau của căn nhà.

Vườn naka-niwa hay sân trong của một ngôi nhà ở Kanazawa, Ishikawa. Những cái cây được phủ rơm để bảo vệ chúng khỏi tuyết.

Chúng nhỏ bằng một tsubo, tức khoảng 3,3m2, có tên là tsubo-niwa.

Trong thời kỳ Edo, các thương gia bắt đầu xây dựng những khu vườn nhỏ ở không gian giữa cửa hàng của họ - mặt phố phía trước - với nhà ở của họ -  ở phía sau. Ngày nay, tsubo-niwa được thấy ở nhiều nơi như nhà ở, khách sạn, nhà hàng và các tòa nhà công cộng của Nhật Bản. Một ví dụ điển hình từ thời Minh Trị được thấy trong biệt thự Murin-an ở Kyoto: Totekiko - một khu vườn đá trong sân nổi tiếng.

·         Vườn ẩn cư

Vườn ẩn cư là một khu vườn nhỏ thường được xây dựng bởi một samurai hoặc quan chức chính phủ, những người muốn từ giã cuộc sống xã hội để chuyên tâm vào việc học tập hoặc thiền định.

Shisen-dō, được xây dựng ở Kyoto vào thế kỷ 17, một trong những ví dụ điển hình về khu vườn ẩn cư

Nó được gắn liền với một ngôi nhà mộc mạc, được tiếp cận bằng một con đường quanh co, một cái ao nhỏ, một vài đặc điểm khác của vườn truyền thống, khu vườn được thiết kế để tạo ra sự yên tĩnh và cảm hứng. Một ví dụ là khu vườn Shisen-dō ở Kyoto, được xây dựng bởi một quan chức bị shogun lưu đày vào thế kỷ 17, hiện tại khu vườn nằm trong một ngôi chùa Phật giáo.

Sản phẩm cùng loại
0 VND
 

CÔNG TY CỔ PHẦN CỔ BẢN

Địa chỉ: Cổ Bản - Phường Đồng Mai - Quận Hà Đông - Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 098.212.1816; 098.328.1618 
Email: cobanjsc@gmail.com
Website: www.cobanjsc.com

Tổng số lượt truy cập : 1.364.730
Đang truy cập : 13