Hotline :
098.212.1816
 
 
 
   Trang chủ    Nhà ở Nhật Bản
Nhà ở Nhật Bản
Vườn Nhật – phần 01
  Mã sản phẩm
  Chất liệu
  Chiều cao
  Chiều rộng
  Chiều dài
  Giá bán
654
0 VND
 
Mô tả sản phẩm

 Vườn Nhật – phần 01.

( Nguồn: Wikipedia)

Khu vườn Nhật Bản (日本 庭園, nihon teien) là những khu vườn truyền thống có thiết kế mang đậm tư tưởng triết học và thẩm mỹ Nhật Bản, làm nổi bật cảnh quan thiên nhiên.

Thực vật và vật liệu được dùng trong vườn được các nhà thiết kế sử dụng để gợi ý về một cảnh quan thiên nhiên, đồng thời cũng thể hiện tính mong manh của sự tồn tại cũng như sự thay đổi không thể ngăn cản của thời gian. Nghệ thuật truyền thống Nhật Bản cũng góp phần truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế vườn.

  

Vườn rêu, saiho-ji, bắt đầu xây dựng năm 1339 ở Kyoto.

1.    Lịch sử

·         Nguồn gốc

Ý tưởng về những khu vườn độc đáo này bắt đầu từ thời Asuka (khoảng thế kỷ thứ 6 đến thứ 7). Các thương gia Nhật Bản đã mang nhiều kỹ thuật và phong cách làm vườn của Trung Quốc về áp dụng trong nước.

Vườn Nhật Bản xuất hiện lần đầu tiên trên đảo Honshu, hòn đảo lớn trung tâm của Nhật Bản. Thẩm mỹ của khu vườn bị ảnh hưởng bởi những đặc điểm riêng biệt của cảnh quan Honshu như: đỉnh núi lửa gồ ghề, thung lũng hẹp, suối, thác nước, hồ và bãi đá nhỏ. Khu vườn chịu ảnh hưởng bởi sự phong phú của các loài hoa và các loài cây khác nhau, đặc biệt là cây thường xanh và chịu ảnh hưởng bởi cảnh sắc thiên nhiên bốn mùa rõ rệt ở Nhật Bản, bao gồm cả mùa hè nóng ẩm và mùa đông có tuyết.

Vườn Nhật Bản có nguồn gốc từ quốc giáo Shinto với các đền thờ Thần đạo được thấy trên các bãi biển và trong các khu rừng trên khắp cả nước. Các linh hồn được tôn sùng của Thần đạo được biểu hiện qua các tảng đá, hồ nước, cây cổ thụ . . . và các đặc điểm thiên nhiên khác, các yếu tố này có ảnh hưởng lâu dài đến thiết kế vườn Nhật Bản. Ví dụ như các khoảng sân rải sỏi / cát trắng - biểu tượng của sự tinh khiết - trở thành một nét đặc trưng được thấy ở các đền thờ Thần đạo, cung điện Hoàng gia, các ngôi chùa Phật giáo và các khu vườn thiền.

Vườn Nhật Bản cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi triết lý Đạo giáo và Phật giáo của Trung Quốc, được du nhập vào khoảng năm 552. Truyền thuyết Đạo giáo kể về năm hòn đảo là nơi sinh sống của Tám vị thần bất tử, những người sống hòa hợp với thiên nhiên, mỗi hòn đảo nằm trên lưng của một con rùa biển khổng lồ. Ở Nhật Bản, năm hòn đảo truyền thuyết này trở thành một hòn đảo, được gọi là Horai-zen, hay núi Horai và hình ảnh tượng trưng cho ngọn núi huyền thoại này - biểu tượng của một thế giới hoàn hảo - là điểm chung của các khu vườn Nhật Bản, cũng như những tảng đá tượng trưng cho rùa và sếu.

Ise jingu, ngôi đền Thần đạo, có từ thế kỷ thứ 7, được bao quanh bởi sỏi trắng.

·         Trong thời cổ đại

Những khu vườn Nhật Bản được ghi nhận sớm nhất là các khu vườn của Hoàng đế và quý tộc. Chúng được nhắc đến trong một số đoạn ngắn của Nihon Shoki, biên niên sử đầu tiên của Nhật Bản, xuất bản vào năm 720. Biên niên sử ghi lại:

o   Vào mùa xuân năm 74: "Hoàng đế Keikō thả vài con cá chép vào một cái ao, ngài vui mừng gặp chúng vào buổi sáng và buổi tối ”.

o   Năm sau, "Hoàng đế hạ thủy một chiếc thuyền hai thân tại ao Ijishi ở Ihare, ngài lên thuyền cùng với thê thiếp của mình và họ đã dùng bữa thịnh soạn cùng nhau".

o   Và vào năm 486, "Hoàng đế Kenzō đi vào khu vườn và thưởng ngoạn ở bên một con suối ngoằn ngoèo".

Vườn Trung Quốc đã có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến các khu vườn Nhật Bản thời kỳ đầu. Vào khoảng năm 552, Phật giáo chính thức được truyền bá từ Trung Quốc, qua Hàn Quốc, vào Nhật Bản. Trong khoảng thời gian từ năm 600 đến năm 612, Hoàng đế Nhật Bản đã gửi bốn đoàn đến Trung Quốc vào thời nhà Tùy, trong khoảng thời gian từ năm 630 đến năm 838, triều đình Nhật Bản đã gửi thêm mười lăm đoàn đến Trung Quốc, thời nhà Đường.

Những đoàn này, với hơn năm trăm thành viên, bao gồm các nhà ngoại giao, học giả, sinh viên, nhà sư Phật giáo và dịch giả. Họ mang về Nhật Bản các văn tự Trung Quốc, các đồ vật nghệ thuật và các bản mô tả chi tiết về vườn Trung Quốc.

Vào năm 612, Hoàng hậu Suiko đã cho xây dựng một khu vườn với một ngọn núi nhân tạo, tượng trưng cho Shumi-Sen, hay núi Sumeru - ngọn núi nổi tiếng nằm ở trung tâm thế giới - trong truyền thuyết Ấn Độ giáo và Phật giáo. Trong thời trị vì của vị Hoàng hậu này, một trong những bộ trưởng của bà, Soga no Umako, đã xây dựng một khu vườn tại dinh thự của mình với hồ nước và một số hòn đảo nhỏ, đại diện cho các hòn đảo của Tám vị thần bất tử nổi tiếng. Dinh thự này sau  trở thành tài sản của Hoàng đế Nhật Bản, đặt tên là "Cung điện của các hòn đảo" và được nhắc đến nhiều lần trong Man'yōshū - tập thơ cổ nhất được biết đến của Nhật Bản.

·         Thời kỳ Nara (710–794)

Thời kỳ Nara được đặt theo tên của thành phố - thủ đô Nara. Những khu vườn Nhật Bản đích thực đầu tiên được xây dựng ở thành phố này vào cuối thế kỷ thứ tám. Bờ ao và các thiết lập khác của vườn được làm bằng đá tự nhiên, khác với phương thức xây dựng bờ ao của Trung Quốc, hai khu vườn như vậy đã được tìm thấy trong các cuộc khai quật.

Một trong những khu vườn này, khu vườn “Cung điện phía Đông” tại cung điện Heijo, Nara, đã được tái tạo lại một cách trung thực bằng cách xây dựng tại cùng vị trí và thậm chí một số những đặc điểm ban đầu của khu vườn đã được khai quật để phục dựng lại.

Bằng chứng trong văn học và khảo cổ học cho rằng các khu vườn Nhật Bản vào thời gian này là phiên bản thu nhỏ của khu vườn hoàng gia nhà Đường, với các hồ nằm rải rác, các đảo nhân tạo, núi nhân tạo và bờ ao được kè bằng đá. Những khu vườn này ngoài việc mang một số biểu tượng của Phật giáo và Đạo giáo, chúng còn là nơi tổ chức các lễ hội và lễ kỷ niệm.

Các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây ở cố đô Nara đã tìm dấu tích của hai khu vườn gắn liền với Hoàng triều: vườn To-in nằm trong khuôn viên của Hoàng cung và vườn Kyuseki được tìm thấy trong thành phố. Chúng có thể được mô phỏng theo các khu vườn Trung Quốc, nhưng các tạo tác bằng đá được tìm thấy ở To-in dường như có nhiều điểm chung với các di tích đá Nhật Bản hơn là của Trung Quốc. Dòng chảy ngoằn ngoèo tự nhiên của khu vườn suối Kyuseki có thể nhỏ hơn nhiều so với những gì tồn tại ở nhà Đường. Nhưng dù nguồn gốc của chúng là gì, cả To-in và Kyuseki đều có định hướng rõ ràng cho những phát triển của các khu vườn Nhật Bản sau này.

Quang cảnh gian chính khu vườn phía Đông.

·         Thời kỳ Heian (794–1185)

Năm 794, vào đầu thời kỳ Heian, triều đình Nhật Bản dời đô đến Heian-kyō (Kyoto ngày nay). Trong thời kỳ này, có ba loại vườn khác nhau xuất hiện: vườn cung điện và vườn của quý tộc ở thủ đô; vườn của các dinh thự ở ven thành phố và vườn của các ngôi đền.

Kiến trúc của cung điện, dinh thự và các khu vườn trong thời kỳ Heian được phỏng theo Trung Quốc. Nhà cửa và vườn tược thẳng hàng trên một trục bắc nam, dinh thự ở phía bắc, các tòa nhà nghi lễ và khu vườn chính ở phía nam. Có hai dãy nhà dài ở phía nam, giống như hai tay của một chiếc ghế bành và khu vườn ở giữa hai cánh tay đó . . . Khu vườn có một hoặc nhiều hồ được nối với nhau bằng những cây cầu bắc qua những dòng suối quanh co.

Mô hình dinh thự và vườn ở Heian-kyō (Kyoto), vào khoảng năm 1000.

Khu vườn phía nam của các dinh thự hoàng gia có một đặc điểm đặc trưng Nhật Bản: một khu đất trống rộng lớn bằng cát hoặc sỏi trắng. Thiên hoàng là giáo chủ của Nhật Bản, cát trắng tượng trưng cho sự tinh khiết và là nơi mà các vị thần được mời đến thăm. Khu vực này cũng được sử dụng cho các nghi lễ tôn giáo và các điệu múa để chào đón các vị thần.

Bản thân bố cục của khu vườn đã được xác định nghiêm ngặt theo các nguyên tắc của phong thủy địa lý truyền thống của Trung Quốc. Cuốn sách đầu tiên được biết đến về nghệ thuật làm vườn của Nhật Bản - Sakuteiki (Ghi chép về việc làm vườn) - được viết vào thế kỷ 11, cho biết: “Đó là một điềm tốt nếu dòng suối đến từ phía đông, đi vào vườn, chảy qua dưới nhà và sau đó đi ra ở phía đông nam. Bằng cách hướng về phía bạch hổ này, nước của rồng xanh sẽ mang tất cả những linh hồn xấu ra khỏi nhà”.

Các khu vườn của Hoàng gia thời Heian là những khu vườn nước, nơi có thể dạo chơi bằng những chiếc thuyền sơn mài sang trọng, nghe nhạc, ngắm nhìn những ngọn núi phía xa, ca hát, đọc thơ, vẽ tranh và ngắm cảnh. Cuộc sống xã hội trong khu vườn được miêu tả một cách đáng nhớ trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của Nhật Bản “The Tale of Genji”, được viết vào khoảng năm 1005 bởi Murasaki Shikibu, người phụ nữ đang chờ đợi để trở thành Hoàng hậu.

Dấu vết của một hồ nước nhân tạo, Osawa no ike, gần đền Daikaku-ji ở Kyoto, đến giờ vẫn có thể nhìn thấy. Nó được xây dựng bởi Hoàng đế Saga, người trị vì từ năm 809 đến năm 823, và hồ nước này được cho là lấy cảm hứng từ hồ Dongting ở Trung Quốc.

Hồ Osawa ở Kyoto là một phần khu vườn hoàng gia của Hoàng đế Saga (809–823).

Một bản sao thu nhỏ của khu vườn Cung điện Hoàng gia Kyoto năm 794 - Heian-jingū - được xây dựng ở Kyoto vào năm 1895 để kỷ niệm sinh nhật thứ 1100 của thành phố. Khu vườn phía nam nổi tiếng với hoa anh đào vào mùa xuân và hoa đỗ quyên vào mùa hè. Khu vườn phía tây được biết đến với hoa diên vĩ vào tháng 6 và hồ nước lớn ở khu vườn phía đông gợi lại những bữa tiệc trên thuyền ở thế kỷ thứ 8.

  

Một cuộc tái thiết nhỏ vào thế kỷ 19 của Heian-jingū - Khu vườn Hoàng cung đầu tiên của Kyoto.

Bậc đá trong khu vườn Hoàng cung. Những viên đá này ban đầu là một phần của cây cầu có từ thế kỷ 16 bắc qua sông Kamo, đã bị phá hủy bởi một trận động đất.

Gần cuối thời Heian, một phong cách kiến ​​trúc vườn mới đã xuất hiện, được tạo ra bởi những người theo Phật giáo Tịnh độ, gọi là "Vườn địa đàng" - đại diện cho Tây phương cực lạc - nơi Đức Phật Amida cai trị. Chúng được xây dựng bởi những nhà quý tộc muốn khẳng định quyền lực và sự độc lập của họ với Hoàng gia Nhật Bản, vốn đang ngày càng suy yếu.

Ví dụ tốt nhất còn lại của “Vườn địa đàng” là Byōdō-in ở Uji, gần Kyoto. Ban đầu nó là biệt thự của Fujiwara Michinaga (966–1028), người đã gả con gái của mình cho con trai của Hoàng đế. Sau khi ông qua đời, con trai ông đã biến biệt thự thành một ngôi đền và vào năm 1053 đã xây dựng quảng trường Phượng hoàng tại đây, quảng trường đến nay vẫn còn tồn tại.

Quảng trường được xây dựng theo phong cách truyền thống của một ngôi chùa Trung Quốc thời nhà Tống, trên một hòn đảo ở giữa hồ. Quảng trường có một bức tượng mạ vàng của Đức Phật Amitābha, nhìn về phía Tây. Hồ nước phía trước ngôi đền có một hòn đảo nhỏ bằng đá trắng - tượng trưng cho núi Horai, quê hương của Tám vị thần bất tử, được kết nối với ngôi đền bằng một cây cầu - tượng trưng cho con đường dẫn đến thiên đường. Quảng trường được thiết kế như  một nơi để chiêm nghiệm về triết học Đạo giáo và Phật giáo. Cảnh quan và kiến ​​trúc nơi đây là nguyên mẫu cho các khu vườn Nhật Bản trong tương lai.

Byōdō-in: Vườn Jōdo-shiki

Các khu vườn thời kỳ Heian đáng chú ý bao gồm: Daikaku-ji; Byōdō-in; Kyoto Imperial Palace; Jōruri-ji.

·         Thời kỳ Kamakura và Muromachi (1185–1573)

Sự suy yếu của các Hoàng đế và sự ganh đua của các lãnh chúa phong kiến ​​dẫn đến hai cuộc nội chiến (1156 và 1159), tàn phá hầu hết Kyoto và các khu vườn của nó. Thủ đô chuyển đến Kamakura và sau đó, vào năm 1336 trở lại khu Muromachi của Kyoto. Các Hoàng đế chỉ cai trị trên danh nghĩa, quyền lực thực sự được nắm giữ bởi một thống đốc quân sự - Shōgun.

Trong thời kỳ này, chính phủ Nhật Bản đã nối lại quan hệ với Trung Quốc, mối quan hệ đã bị cắt đứt gần ba trăm năm trước đó. Các nhà sư Nhật Bản lại đi học ở Trung Quốc và các nhà sư Trung Quốc đến Nhật Bản, chạy trốn khỏi các cuộc xâm lược của người Mông Cổ. Các nhà sư đã mang theo một hình thức Phật giáo mới, được gọi đơn giản là Zen, hay "Thiền". Thời kỳ này, Nhật Bản tận hưởng sự phục hung của tôn giáo, nghệ thuật và đặc biệt là trong các khu vườn.

Nhiều khu vườn chùa nổi tiếng được xây dựng từ rất sớm trong thời kỳ này, bao gồm Kinkaku-ji - the Golden Pavilion, vào năm 1398, và Ginkaku-ji - the Silver Pavilion, vào năm 1482.

Kinkaku-ji, Golden Pavilion (1398)

Phong cách làm vườn đáng chú ý nhất trong thời kỳ này là vườn thiền hay vườn đá Nhật Bản. Một trong những ví dụ điển hình nhất và cũng là một trong những khu vườn nổi tiếng nhất của Nhật Bản: vườn Ryōan-ji ở Kyoto. Khu vườn này chỉ rộng 9 mét và dài 24 mét, bao gồm cát trắng được cào để gợi ý về nước; mười lăm tảng đá được sắp xếp theo nhóm, giống như những hòn đảo nhỏ. Khu vườn có ý nghĩa đầy đủ nhất khi được nhìn từ trên hiên, nơi ở của vị trụ trì tu viện. Đã có nhiều cuộc tranh luận về ý nghĩa biểu tượng của những tảng đá được sắp xếp trong vườn, nhưng như nhà sử học về vườn Gunter Nitschke đã viết: "Khu vườn ở Ryōan-ji không mang tính biểu tượng. Nó không đại diện cho bất kỳ vẻ đẹp tự nhiên nào có thể tìm thấy ở thế giới thực hay thần thoại. Tôi coi nó như một biểu hiện trừu tượng cho các vật thể tự nhiên trong không gian, có chức năng hỗ trợ việc thiền định."

Vườn đá ở Ryōan-ji (cuối thế kỷ 15)

Một số khu vườn thiền nổi tiếng khác của Kyoto như Nanzen-ji, Saihō-ji (Vườn rêu), Tenryū-ji là các công trình của Musō Soseki (1275–1351). Ông là một nhà sư, hậu duệ đời thứ chín của Hoàng đế Uda, ông là một chính trị gia, nhà văn, nhà tổ chức đáng gờm của triều đình, người đã trang bị và tài trợ cho các con tàu để giao thương với Trung Quốc, đồng thời là người thành lập ra một tổ chức gọi là Five Mountains, gồm những người hùng mạnh nhất.

Những khu vườn đáng chú ý của Thời kỳ Kamakura và Muromachi bao gồm: Kinkaku-ji (the Golden Pavilion); Ginkaku-ji (the Silver Pavilion); Nanzen-ji; Saihō-ji (The Moss Garden); Tenryū-ji; Daisen-in.

  

Ginkaku-ji, hay Silver Pavilion, ở Kyoto (1482).

Khu vườn Daisen-in Kyoto (1513).

Khu vườn Nanzen-ji, Kyoto, do Musō Soseki xây dựng. Không phải tất cả vườn thiền đều được làm bằng đá và cát, các nhà sư ở đây đã chiêm ngưỡng một cảnh rừng.

Khu vườn Tenryū-ji ở Kyoto. Ao Sogen, được xây dựng bởi Musō Soseki, là một trong số ít những đặc điểm còn sót lại của khu vườn nguyên bản.

Sản phẩm cùng loại
0 VND
 

CÔNG TY CỔ PHẦN CỔ BẢN

Địa chỉ: Cổ Bản - Phường Đồng Mai - Quận Hà Đông - Hà Nội, Việt Nam
Điện thoại: 098.212.1816; 098.328.1618 
Email: cobanjsc@gmail.com
Website: www.cobanjsc.com

Tổng số lượt truy cập : 1.372.620
Đang truy cập : 3